Home / Việc Làm Vui / Yêu thích ngành thiết kế, nên bắt đầu từ đâu?

Yêu thích ngành thiết kế, nên bắt đầu từ đâu?

Môn Mỹ thuật gần như hoàn toàn “vắng bóng” ở các trường THPT. Thiết kế trong ý niệm của nhiều phụ huynh chỉ là hoạt động mang tính giải trí. Dù thích ngành này nhưng không ít học sinh không biết bắt đầu từ đâu và không có sự hỗ trợ, ủng hộ từ gia đình thì càng khó hơn.

Kết quả hình ảnh cho nghề thiết kê

Tự tìm cách “phát hiện mình” tốt hơn

Nhiều băn khoăn của phụ huynh, học sinh về ngành Thiết kế được những chuyên gia trong ngành, giảng viên giàu kinh nghiệm giải đáp tại Ngày hội trải nghiệm thiết kế Open Day do Học viện Thiết kế và Thời trang London (LCDF) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thiết kế là ngành học của sự sáng tạo, cho phép “hô biến” những ý tưởng đôi khi vô cùng trừu tượng thành những vật dụng có giá trị sử dụng và thẩm mỹ cho đời sống hàng ngày. Tại các nước phát triển, chẳng hạn Anh Quốc – “cái nôi” của ngành Công nghiệp sáng tạo thế giới thì ngành thiết kế ra 2,9 triệu việc làm, chiếm 9% trong tổng số việc làm của Anh quốc (số liệu năm 2016). Còn Việt Nam thì sao?

Bà Hà Thị Hằng, Giám đốc điều hành Học viện Thiết kế và Thời trang London nhận định tại “ngành Công nghiệp sáng tạo nói chung và Thiết kế nói riêng ở Việt Nam hiện tại còn… bỏ ngỏ” . Một trong những lí do lớn bắt nguồn từ việc thiếu định hướng thông tin khi còn ngồi trên ghế nhà trường về ngành. Dẫn đến nhiều em có thể thích nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn theo số đông để “an toàn”.

Nhiều trường cấp 2 và cấp 3 đều đã bỏ môn Mỹ thuật ra khỏi chương trình chính; cộng với việc không được bố mẹ ủng hộ, có em muốn theo đuổi nhưng không biết bắt đầu từ đâu và mình liệu có phù hợp với ngành này không?

Cách tốt nhất để các em tự trả lời băn khoăn trên là trải nghiệm thật nhiều để biết mình khả năng đến đâu, có thể theo đuổi được ngành học hay không. “Các lớp học tự chọn môn Mỹ thuật hay các khóa học ngắn hạn về thiết kế sẽ giúp học sinh tự phát hiện mình tốt hơn”, bà Hà Thị Hằng chia sẻ.

Không vẽ đẹp có theo ngành Thiết kế được không?

Giải đáp câu hỏi này, bà Hà Thị Hằng khẳng định: “Thực tế, nhóm ngành sáng tạo không chỉ là vẽ (khả năng thể hiện sản phẩm ra bản vẽ). Đối với nhà thiết kế thì không cần phải là người vẽ đẹp mà phải là người có ý tưởng”.

Do đó, các em học sinh cần phát hiện bản thân không chỉ ở khả năng vẽ. Ngay cả ở nước ngoài, tiêu chí xác định một bạn vào ngành thiết kế là bạn ấy phải có trong đầu ý tưởng sáng tạo, chứ không phải là thể hiện thật đẹp ra bản vẽ. Ví dụ bạn theo đuổi thời trang và yêu thích các chất liệu, bạn có thể làm tất cả các chất liệu trên mặt vẽ chứ không nhất thiết phải vẽ.

Bà Hằng lưu ý, tuy nhiên, có kỹ năng thể hiện ý tưởng ra bản vẽ là một trong những kỹ năng nhiều trường Thiết kế kiểm tra chọn đầu vào sinh viên. Nếu thể hiện kỹ năng đó bằng một quyển portfolio thì học sinh sẽ tăng thêm cơ hội “ghi điểm” và không chỉ apply ở Việt Nam mà có thể ở bất kể một trường quốc tế nào.

“Nhiều học sinh Việt Nam bỏ qua cơ hội học quốc tế vì không giữ lại bản vẽ trong quá khứ. Các trường ĐH nước ngoài không chỉ muốn xem tác phẩm hiện tại mà họ muốn xem một portfolio, là hành trình về tư duy ý tưởng của bạn ấy để xem có khả năng phát triển không”, bà Hằng lưu ý.

Có thể “sống” được với ngành không?

“Không phải poster nào cũng là một thiết kế và quần áo nào chúng ta đang mặc cũng là một thời trang. Thiết kế phải gắn với mục đích, sáng tạo thì đó mới là thiết kế”. Đây là một định nghĩa dễ hiểu, đơn giản về Thiết kế được các chuyên gia đồng tình tại buổi chia sẻ định hướng thông tin.

Không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng khi con có nguyện vọng theo đuổi, làm trong ngành thiết kế. Với nhiều phụ huynh, thiết kế chỉ là hoạt động mang tính giải trí hoặc làm vào thời gian rỗi.

Tuy nhiên, thiết kế không hề mông lung, mơ hồ mà là tất cả lĩnh vực liên quan đến thiết kế, vốn rất quen thuộc với chúng ta; chẳng hạn thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất… và người có tài sẽ không lo “chết đói” khi chọn con đường thiết kế.

Giám đốc LCDF Hà Thị Hằng nhấn mạnh: “Nếu chúng ta chưa biết cách làm ra tiền thì đó chưa phải là thiết kế, vì thiết kế là phải có mục đích”.

Thầy Huren Marsh – Trưởng khoa Thiết kế Nội thất của trường cũng khẳng định, Thiết kế là lĩnh vực đầy triển vọng với nhiều cơ hội việc làm được đầu tư “khủng” và những dự án không biên giới.

“Chẳng hạn, ngay trong ngành Thiết kế nội thất cũng có vô vàn những cơ hội như: người sắp xếp, bố trí nội thất; thiết kế ánh sáng, phim ảnh; vẽ minh họa không gian; trang trí nội thất; người quản lý dự án liên quan đến nội thất; thiết kế không gian triển lãm; người thực hành các bản vẽ kỹ thuật…”, Thầy Huren Marsh chia sẻ.

Thầy Huren là một nhà thiết kế kiến nội thất giàu kinh nghiệm, ông có nhiều dự án “xuyên biên giới”, từng thiết kế một phần không gian của Hội đồng Anh tại Singapore.

Tiêu chí nào để lựa chọn được một trường Thiết kế tốt?

Ngành Thiết kế ở Việt Nam còn rất mới mẻ, làm thế nào chọn được trường Thiết kế phù hợp cho con em mình? Theo bà Hà Thị Hằng, các câu hỏi mà học sinh, phụ huynh cần trả lời trước khi lựa chọn bao gồm: Cơ hội tuyển dụng sau khi ra trường? Liệu trường bạn lựa chọn có tạo cho bạn cơ hội thực hành với doanh nghiệp để nâng cao tay nghề không? Giảng viên của trường ngoài kinh nghiệm giảng dạy họ có kinh nghiệm thực tế trong ngành bạn học không? Trang thiết bị của trường có tốt không? Phản hồi/ đánh giá chất lượng từ chính mạng lưới cựu sinh viên của trường ra sao? Liệu trường có giúp bạn học chuyển tiếp ở bậc cao hơn, đặc biệt là cơ hội giành học bổng du học không? Bằng cấp của nhà trường có phải là bằng cấp được công nhận quốc tế?

Khi trả lời được các câu hỏi này, các em học sinh đã có thể “chọn mặt, gửi vàng” một ngôi trường Thiết kế chất lượng để theo đuổi đam mê.

Nguồn dantri

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

About admin

Check Also

Kiến trúc sư – Nghề hào hoa nhất trong các nghề

Nếu nghề bác sĩ nắm giữ sự sống cho con người, nghề làm báo định …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *