Theo dự thảo luật Kiến trúc, hồ sơ để cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc phải gồm giấy xác nhận không vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Thảo luận tại tổ về dự thảo luật Kiến trúc sáng nay, GĐ Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho rằng, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề như quy định tại dự thảo luật này quá phức tạp, trong khi xu thế hiện nay là giảm bớt giấy phép con.
Ông Dũng dẫn chứng, theo quy định tại điều 22 dự thảo luật về cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc, ngoài bằng cấp, giấy chứng nhận được đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục, còn phải có kết quả sát hạch hành nghề kiến trúc và giấy chứng nhận không vi phạm đạo đức nghề nghiệp và một số giấy xác nhận khác.
“Tôi đề nghị chỉ cần đạt yêu cầu sát hạch là đủ. Học ở đâu không quan trọng, chỉ cần đáp ứng yêu cầu của kỳ sát hạch là xong. Và muốn thi được thì phải không vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Thế là được, chứ việc gì phải nhiều giấy tờ thế?”, ông Dũng góp ý.
Ông Dũng cũng nhận thấy quy định về giấy chứng nhận không vi phạm đạo đức nghề nghiệp khá khó hiểu vì không biết ai sẽ là người cấp giấy này?
Băn khoăn nữa là giả sử có cơ quan nào đó giám sát đạo đức của người hành nghề hàng ngày và cấp giấy chứng nhận không vi phạm đạo đức, thì thời hiệu của vi phạm cũng phải quy định rõ.
“Chẳng lẽ tôi có vi phạm điều gì đó nhưng cách đây 10 năm rồi và vì vi phạm này mà cả cuộc đời tôi không bao giờ được cấp giấy không vi phạm đạo đức?”, ông Dũng dẫn tình huống, và cho rằng quy định như vậy khá mơ hồ, khi triển khai sẽ rất lằng nhằng.
ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) cũng cho hay, dự luật đang nặng về hành chính khi đưa ra nhiều quy định thủ tục phiền hà với những ai mong muốn có giấy phép hành nghề và đề cập quá nhiều đạo đức nghề nghiệp.
Theo ĐB Lượng, nếu quy định như dự thảo thì không cần cấp giấy phép hành nghề. Ông phân tích, những điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề nêu tại dự thảo luật không nói lên được sẽ quản lý tốt hơn nghề này, cũng không chắc chắn những người được cấp phép sẽ hành nghề tốt hơn.
Nói về quy định Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, trong luật thường chỉ quy định đến Bộ, UBND cấp tỉnh. Thực tế nhiều tỉnh, thành đang sáp nhập các sở với nhau, trong khi dự luật quy định cụ thể Sở Xây dựng liệu có vướng không?
“Phải chăng ghi trong luật giao UBND cấp tỉnh giao việc cấp chứng chỉ cho cơ quan có chức năng là đủ”, Bí thư Hà Nội nói.
Phát triển đô thị khiến méo mó kiến trúc
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu vấn đề tranh luận không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia, đó là với những di sản kiến trúc từ thời thực dân – đế quốc, là sản phẩm của quá trình bị xâm lược, thì có bảo tồn không?
Theo ông, chúng ta phải bảo tồn những di sản đó bởi nó giáo dục cho người Việt Nam về lịch sử của dân tộc với những thăng trầm. Ông Nghĩa dẫn chứng nhiều câu chuyện, trong đó nhắc tới sự kiện thành Hoàng Diệu (Hà Nội) bị Pháp bắn đạn đại bác, trước đây đã từng nổ ra tranh luận nên lấp hay để, và cuối cùng di tích này đã được giữ lại.
“Kiến trúc thực dân – đế quốc nếu đẹp thì chúng ta để lại, nhưng còn một lý do nữa là vì nó nói lên lịch sử dân tộc, qua đó giáo dục con người, qua đó thể hiện hồn cốt. Một dân tộc mà xoá đi ký ức, hồn cốt thì con người sẽ trở thành lai căng, mất gốc, rơi vào bệnh ấu trĩ, tả khuynh như Lê-nin nói”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (TP.HCM) bày tỏ lo ngại quá trình phát triển đô thị đã khiến nhiều địa phương tự làm phai mờ, biến dạng, méo mó kiến trúc và cho hay, việc triển khai lấy ý kiến dự thảo luật là rất cấp thiết.
Ông Khuê nhấn mạnh thực tế nhận thức về quản lý và phát triển kiến trúc chưa đúng mức. Ông chia sẻ bản thân ông đã từng phát biểu ý kiến rất gay gắt về việc khách sạn Caravelle (quận 1, TP.HCM) xây quá cao khiến Nhà hát lớn từ chỗ có kiến trúc rộng rãi nay “nhìn giống miếu”.
Theo ông, rõ ràng quản lý kiến trúc không gian bị buông lỏng, công cụ quản lý của ta vừa qua chưa được.
Ủy viên thường trực UB Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho hay, quy định quản lý kiến trúc là cần thiết, nhưng tính khả thi không cao. Với quy định quản lý kiến trúc chi tiết, dự luật nêu quy định tới từng khu vực, tuyến đường, chiều cao công trình, vật liệu ánh sáng, màu sắc…
“Đây cũng là vấn đề bởi nghe thì rất hay, song thực tế có phù hợp với văn hoá Á Đông hay không lại là chuyện khác. Người Việt thường quan niệm sơn màu tường nhà theo mệnh, ví như tôi hợp màu vàng mà cả tuyến phố quy định nhà phải sơn màu xanh thì tôi sẽ phải bán nhà để chuyển đi chỗ khác?
Quy định như vậy rất khó đi vào cuộc sống, cần nghiên cứu để phù hợp với tập quán, văn hoá Á Đông”, ông Sinh nói.
Nguồn vietnamnet