Home / Cẩm Nang / DOANH NGHIỆP LÂM ĐỒNG TIẾP CẬN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: Cần thay đổi về tư duy

DOANH NGHIỆP LÂM ĐỒNG TIẾP CẬN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: Cần thay đổi về tư duy

Với xấp xỉ 8 ngàn doanh nghiệp, việc tìm đầu ra, thị trường hàng hóa là nhu cầu tối cần thiết để doanh nghiệp Lâm Đồng phát triển. Tìm đầu ra trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) nói riêng và kênh TMĐT nói chung là phương thức dần trở nên quen thuộc trong thời đại “người người xài smart phone, nhà nhà xài smat phone”. Doanh nghiệp Lâm Đồng đang ở đâu trong cơn bão TMĐT đang phát triển bên cạnh thương mại truyền thống?

Doanh nghiệp chưa mặn mà với TMĐT

Một trong những doanh nghiệp chế biến nông sản có tiếng của Lâm Đồng, Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi có trang web của doanh nghiệp, quảng cáo, giới thiệu, bán một số mặt hàng của công ty. Tuy nhiên, ông Lê Quang Thành Liêm, chủ doanh nghiệp ít quan tâm tới mảng bán hàng qua mạng của công ty mình. Ông cho biết, công ty có thực hiện việc bán hàng qua mạng nhưng ông không chú trọng lắm và chủ yếu duy trì kênh phân phối truyền thống. Câu chuyện của Công ty Trình Nhi cũng là câu chuyện phổ biến với hầu hết doanh nghiệp Lâm Đồng.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hường, Phó Phòng Kế hoạch – Tài chính và Hợp tác quốc tế, Sở Công thương Lâm Đồng đánh giá, hầu hết doanh nghiệp Lâm Đồng chưa mặn mà với TMĐT. Theo khảo sát của Sở Công thương thực hiện, hầu hết doanh nghiệp đều đã nghe nói, có thực hiện một số hoạt động khởi đầu cho TMĐT, song sau đó, các hoạt động hầu hết bị đình trệ. Bà Hường đánh giá: “Làm thương mại điện tử thì buộc doanh nghiệp phải có nhân lực theo sát, quản lý trang web, fanpage, kiểm tra và trả lời email… trong thời gian nhanh nhất. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp chưa chú tâm tới việc cử ra nhân lực chuyên môn làm việc này. Nhiều khi đối tác liên lạc cũng không nhận được trả lời ngay, dẫn đến nhiều cơ hội lướt qua”.

Bà Lệ Hường đánh giá, TMĐT là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện tại và tương lai gần, doanh nghiệp không thể đứng ngoài vòng quay của thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp Lâm Đồng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, việc tiếp cận đúng hướng với TMĐT sẽ mở ra một kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả với chi phí thấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa chú tâm tới TMĐT, điều này sẽ làm chậm bước phát triển của doanh nghiệp, tăng chi phí bán hàng khiến giá thành sản phẩm tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Một con số đáng buồn, theo bà Hường chỉ có dưới 100 doanh nghiệp Lâm Đồng đã làm thủ tục đăng ký và thông báo với Bộ Công thương về TMĐT. Còn con số thực sự có áp dụng TMĐT còn thấp hơn con số doanh nghiệp đăng ký.

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia TMĐT

Doanh nghiệp chưa định hướng rõ ràng sự phát triển của TMĐT, những người làm quản lý càng phải chú tâm tới, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn TMĐT trong và ngoài nước. Đây là mục tiêu Sở Công thương Lâm Đồng đặt ra và đang khuyến khích, vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp trong cuộc chơi tìm đầu ra cho sản phẩm.
Với thị trường TMĐT nước ngoài, Sở Công thương chú trọng tới các sàn TMĐT lớn, mang tính toàn cầu như Alibaba, Amazon. Ngay từ năm 2017, Sở đã liên lạc với Alibaba, đề nghị họ hướng dẫn doanh nghiệp Lâm Đồng tham gia bán hàng trên sàn. Năm 2020, Sở hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký bán hàng trên Amazon, sàn TMĐT uy tín toàn cầu. Tuy nhiên, mọi việc đang đình trệ do dịch COVID-19 ảnh hưởng tới toàn thế giới. Hiện tại, cả Alibaba và Amazon đều có văn phòng tại Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia cuộc chơi toàn cầu với sự trợ giúp hữu ích cho các doanh nghiệp nhỏ, còn yếu về nhân lực, vật lực như doanh nghiệp Lâm Đồng…

Với các sàn TMĐT trong nước như Lazada, Sendo, Tiki…, Sở hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký tham gia, thậm chí hỗ trợ một số chi phí để doanh nghiệp bán hàng trên các sàn nội địa. Sở hướng dẫn doanh nghiệp lập website, facebook để cập nhật hàng hóa, bán hàng, giới thiệu sản phẩm… Được biết, một số doanh nghiệp Lâm Đồng, nhất là các doanh nghiệp trẻ đã tham gia kinh doanh trên các nền tảng số khá hiệu quả. Với khả năng tiếp cận công nghệ thông tin và tư duy nhanh, phù hợp với thời đại, các doanh nghiệp trẻ bán hàng trên các sàn TMĐT trong nước như Shopee, Sendo, Lazada, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo… Với chi phí thấp và thời gian cực nhanh, việc kinh doanh TMĐT đã giúp nhiều doanh nghiệp tồn tại và phát triển một cách hiệu quả.

Bà Hường đánh giá, dịch COVID-19 đánh dấu bước chuyển mình của nền kinh tế số, báo hiệu sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy mua – bán của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Và cuộc chơi TMĐT là sân chơi doanh nghiệp phải tham gia nếu không muốn tụt hậu, lùi lại trên con đường phát triển.

“Triển lãm quan trọng nhất là của ngành thực phẩm Việt Nam, Vietnam Foodexpo 2020 sẽ tổ chức với hình thức trực tuyến trong tháng 12/2020. Các doanh nghiệp tham gia cũng như người tiêu dùng, đối tác sẽ tham gia triển lãm với hình thức trực tuyến, với máy tính hoặc điện thoại thông minh. Doanh nghiệp Lâm Đồng tham gia Vietnam Foodexpo 2020 sẽ làm quen với việc triển lãm trực tuyến, một thay đổi mạnh mẽ trong tư duy của người sản xuất, kinh doanh”.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hường, Phó Phòng Kế hoạch – Tài chính
và Hợp tác quốc tế, Sở Công thương Lâm Đồng

Lamdong

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

About admin

Check Also

Cửa hàng xe máy cũ An Sương

Tại khu vực ngã tư An Sương Quận 12, Hóc Môn tập trung rất nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *