Nếu kiến trúc sư là người phác thảo những nét tổng quan của công trình thì người thiết kế nội thất là người phác họa chi tiết cho công trình đó.
Bạn muốn làm công việc thiết kế nội thất?
Công việc mang tính sáng tạo, thể hiện phong cách, dấu ấn riêng và liên quan đến cái đẹp là một trong những yếu tố khiến nhiều bạn trẻ yêu thích, say mê đi theo nghề thiết kế nội thất.
Nhiều chuyên gia ngành thiết kế xây dựng nhận định rằng, dù tình hình các dự án xây dựng đang chậm lại và gặp nhiều khó khăn nhưng nhu cầu tìm kiếm nhân lực cho thiết kế nội thất vẫn luôn đắt giá. Bởi lẽ không gian nội thất đóng một vai trò quan trọng trong các thiết kế cửa hàng thương mại, quán café, văn phòng hay căn hộ, biệt thự…
Tính chất công việc của nghề thiết kế nội thất
Bước chân vào nghề trang trí nội thất, bạn sẽ làm những côngviệc cụ thể gì? Những công việc chuyên môn chung nhất chính là:
- Khảo sát hiện trạng.
- Nghiên cứu nhu cầu và đặc điểm của đối tượng sử dụng
- Thiết kế công năng sử dụng.
- Tìm phong cách chủ đạo.
- Thiết kế màu sắc, vật liệu.
- Thiết kế, lựa chọn trang thiết bị.
- Giám sát thi công.
Nếu kiến trúc sư là người phác thảo những nét tổng quan của công trình thì người thiết kế nội thất là người phác họa chi tiết cho công trình đó. Những yếu tố cần có để thành công với nghề chính là:
- Khiếu thẫm mỹ cao.
- Khả năng quan sát và sáng tạo.
- “Sành điệu” – nắm bắt được xu hướng mới, chất liệu mới.
- Kỹ năng làm việc cộng tác, giao tiếp và phối hợp với nhiều ngành nghề khác: kiến trúc sư công trình, nhà cung cấp vật liệu, đội ngũ thi công…
Làm đẹp không gian sống
Bất kỳ vấn đề nào liên quan đến việc thiết kế không gian sống thì nội dung mà người làm thiết kế cần quan tâm nhất chính là con người sống trong không gian đó. Nghệ thuật thiết kế không có chuẩn mực, do đó người làm thiết kế nội thất cần thấu hiểu được tâm lý của người sống trong không gian mình thiết kế để có cách tiếp cận gần hơn với nhu cầu và mong muốn của người sử dụng, từ đó lên ý tưởng thiết kế cho phù hợp.
Người làm thiết kế cần dựa trên một số nguyên tắc sau:
1. Hình khối
Mỗi công trình sẽ đi theo một phong cách khác nhau. Phong cách cổ điển thì hình khối bề thế, trang nghiêm. Phong cách hiện đại cần nghiêng về xu hướng tối giản, tinh tế và tạo cảm giác khoáng đạt.
2. Màu sắc
Một không gian bắt mắt không có nghĩa là phải tô điểm bằng nhiều màu sắc khác nhau. Nét tinh tế của công trình không chỉ nằm ở màu sơn tường mà còn cần có sự kết hợp của màu sắc nội thất trong đó.
3. Vật liệu
Không phải cứ vật dụng đắt tiền là đẹp. Việc suy nghĩ đề xuất ra các vật liệu mới, đơn giản không quá đắt tiền phù hợp với phong cách trong tổng thể công trình và từng không gian sống cũng cần quan tâm chú trọng. Cần phối hợp hài hòa giữa vật liệu đơn giản và hiện đại để công trình có được nét đặc trưng riêng.
4. Tận dụng không gian
Do yếu tố khách quan, mỗi công trình khi xây dựng xong đều có những khoảng trống khó bố trí nội thất, gọi chung là “góc chết”. Việc tận dụng những góc chết này sao cho hiệu quả và hợp lý là một vấn đề trong thiết kế nội thất, bởi vậy người làm thiết kế thường có xu hướng tận dụng các không gian này vào việc bố trí tủ kệ chứa đồ tiện lợi và ngăn nắp.
Thể hiện ý tưởng
Ngày nay với việc xuất hiện nhiều phần mềm thiết kế tiện lợi cùng với các mẫu nội thất được bày bán trên thị trường thì công việc thiết kế nội thất đã đơn giản hơn rất nhiều. Để thể hiện ý tưởng thiết kế đẹp mắt và trực quan thì người thiết kế cần dựng mô hình không gian mẫu mà mình muốn tạo lập và trình bày với chủ đầu tư. Các bản vẽ phối cảnh 3D dựng bằng các phần mềm kiến trúc chuyên dụng như Sketchup, 3dsmax, Photoshop, Autocad… sẽ giúp thể hiện phương án thiết kế các không gian nội thất này.
Nguồn Zing