Thiết kế nội thất là một ngành nghệ thuật ứng dụng. Vì thế, ngoài những yêu cầu như tính thẩm mỹ cao, khả năng tư duy và sáng tạo của người học, ngành nghề này còn đòi hỏi sự đam mê và tính nhạy bén của sinh viên khi cọ xát và làm việc với thực tế.
Thiết kế nội thất học những gì?
Nhà thiết kế nội thất thường được ví von như vị “phù thủy” trong một công trình xây dựng, mà ở đó, họ có khả năng “hô biến” một không gian kiến trúc thô sơ thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với sự hòa quyện tinh tế giữa không gian, màu sắc, ánh sáng với những sắp đặt có chủ ý giữa các vật liệu trang trí nội, ngoại thất nhằm mang lại một không gian sống và làm việc thật tiện nghi, thoải mái cho người sử dụng.
Để có được tài “biến hóa” đó, các sinh viên ngành thiết kế nội thất thường được trang bị đầy đủ các kiến thức về mỹ thuật, cách sắp xếp không gian, vẽ và phác thảo kiến trúc, ứng dụng màu sắc, ánh sáng vào nội thất, kỹ năng thiết kế và vẽ trên máy tính … Đồng thời, sinh viên sẽ được học thêm về các môn như: kỹ thuật xây dựng, vật liệu nội thất và sản phẩm hoàn thiện, dự toán ngân sách và chi phí cho một công trình nội thất, những kĩ năng giao tiếp và thông hiểu về vật liệu xây dựng … để có thể tạo ra các sản phẩm nội thất khả dụng, có thể sản xuất được trong thực tế.
Phạm vi thiết kế nội thất khá lớn, từ các công trình nhà ở, văn phòng, showroom, nhà hàng, khách sạn… đến các trung tâm thương mại, các khu hội chợ, triển lãm, sân khấu biểu diễn … Vì vậy, nguồn việc làm cho ngành nghề này là rất dồi dào. Sinh viên tốt nghiệp ngành thiết kế nội thất dễ dàng kiếm được việc làm tại các văn phòng kiến trúc, các công ty xây dựng, công ty trang trí nội thất, các cơ sở sản xuất các trang thiết bị nội ngoại thất hoặc tự lập nghiệp.
Chìa khóa thành công
Ngành thiết kế nội thất không chỉ dừng lại ở việc đưa ra ý tưởng thiết kế trên máy mà phải vận dụng được ý tưởng sáng tạo đó vào trong thực tế để có một tác phẩm nghệ thuật hoàn thiện. Vì thế, không chỉ có yếu tố sáng tạo, thẩm mỹ, sinh viên còn cần một sự nhạy bén trong cách nhìn nhận chất liệu, sản phẩm nội thất tạo ra phải phù hợp với không gian kiến trúc và phải sản xuất được. Đặc biệt, đây là nghề luôn tạo ra cái mới, nên khả năng tư duy là một loại xúc tác không thể thiếu trong bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc nào.
Đặc biệt, khách hàng là người sử dụng cuối cùng các sản phẩm nội thất, vì thế khả năng diễn đạt ý tưởng để thuyết phục khách hàng hiểu và cảm nhận được các ý tưởng nghệ thuật đó là một yếu tố cũng khá quan trọng dành cho nhà thiết kế nội thất. Nhiều nhà tuyển dụng khi tuyển nhân viên thiết kế nội thất luôn đòi hỏi kỹ năng này và họ luôn đánh giá cao các ứng cử viên có khả năng truyền cảm hứng nghệ thuật của mình sang người khác. Anh Minh Hiệp, trưởng phòng nhân sự một công ty thiết kế nội thất cho biết: “Nhiều sinh viên do thiếu kinh nghiệm thực tế đã tỏ ra lúng túng khi phải trình bày một đề án thiết kế, và điều này khiến họ vừa mất điểm trước nhà tuyển dụng, vừa mất đi cơ hội được thể hiện những ý tưởng độc đáo mà mình ấp ủ”.
Theo bạn Nguyễn Thị Thanh Tuyền (tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế nội thất trường quốc tế Raffles, hiện là nhà thiết kế nội thất tại công ty AA Corporation) : “Tôi may mắn khi được đào tạo bài bản trong một môi trường chuyên nghiệp. Kinh nghiệm thực tế của đội ngũ giảng viên đến từ các quốc gia khác nhau tại trường Raffles đã cung cấp cho sinh viên một nền tảng kiến thức rất vững. Vì vậy, chúng tôi được các công ty đánh giá cao qua khả năng diễn giải ý tưởng thuyết phục và phong thái tự tin, chủ động”.
Nguồn thanhnien